Triển khai SEO cần tối ưu những gì?

630 lượt xem

Khi triển khai SEO cần tối ưu những gì? Onpage à? Offpage ư? Không, mấy cái đó có cả ngàn người nói rồi. Hôm nay mình sẽ chia sẻ góc nhìn khác về 3 thứ quan trọng cần tối ưu khi làm SEO (với cả Agency và người làm SEO cho dự án của chính mình)

Nếu giờ mà hỏi SEO là gì? Thì đa phần người ta đưa cái định nghĩa của Wiki ra trả lời: Tối ưu hoá công cụ tìm kiếm. Mà chính cái định nghĩa đó cũng từng gây tranh luận khá nhiều. Tối ưu là đúng rồi, nhưng đừng mãi đi lo đi “tối ưu” cái “công cụ tìm kiếm” của người ta (Google), mà hãy cố gắng tối ưu thêm 3 thứ sau đây:

Tối ưu tài chính cho dự án SEO

Tiền đâu là cái đầu tiên cần nhắc đến, có ý kiến cho rằng cuộc chiến về SEO bây giờ là cuộc chiến của TIỀN. Điều ấy không sai nhưng cũng chẳng hoàn toàn đúng.

Không có tiền hoặc quá ít tiền thì dĩ nhiên làm gì cũng khó chứ chả riêng gì SEO, vì muốn mua backlink, thuê content, thuê code tối ưu web,… đều là câu chuyện của TIỀN

Tuy nhiên ở một góc cạnh khác, sử dụng tiền như thế nào? Ngân sách bao nhiêu? Lại là câu chuyện cần mổ xẻ và tối ưu.

trien khai sao

Mình lấy câu chuyện ví dụ:

Nếu có cuộc thi giữa 5 ông đầu bếp, phát cho mỗi ông 500k đi chợ, kết quả xem ông nào chế biến được nhiều món nhất, chất lượng món ăn ngon nhất,… dĩ nhiên ông đó thắng. Thật khập khiễng nếu đem so giữa một ông có 200k và một ông có 1tr rồi đem so kè ông nào nấu ngon hơn, món sang trọng hơn…. Nhưng nếu số tiền không quá chênh lệch, giả sử 1 ông có 300k và 1 ông có 500k nhưng ông có 300k lại nấu được nhiều món hơn, đồ ăn ngon hơn… chứng tỏ ông đầu bếp đấy giỏi hỏi, tối ưu được từ khâu lên thực đơn, đi chợ mua nguyên liệu? Lựa chọn đồ ăn và chế biến món, tay nghề cũng cao hơn… và có cái đầu giỏi hơn.

SEO cũng vậy, bạn từng thấy anh A khoe dự án nọ có 100 ngàn traffic, nhưng bạn khó đoán được ông ấy đã bỏ bao nhiêu tiền đầu tư. Hoặc bạn nhìn thấy 1 anh B là “chuyên gia” hay bậc thầy về SEO nhưng cái dự án anh ta nhận lại có chỉ số lẹt đẹt và lên chậm thì cũng đừng vội đánh giá, bởi bạn cũng không biết dự án đấy anh ta nhận chăm sóc website với tháng 5tr -8tr hay SEO gói cơ bản giá 12tr – 15tr/ tháng.

Bù lại câu chuyện chốt giá bao nhiêu lại là câu chuyện của kinh doanh (một phần liên quan thương hiệu), và hơn hết đó là khả năng đáp ứng của hai bên: bên thuê chỉ có thể bỏ ra 20tr/ tháng và bên nhận SEO cảm thấy giá đó có thể đáp ứng = hợp đồng ký kết.

Giá trị hợp đồng không nằm ở con số, mà nằm ở sự hài lòng và thoả thuận đôi bên. Có dự án với lượng keywords khủng, cam kết TOP cũng khủng nhưng bên A nhận giá 30tr/ tháng, mà bên B lại bảo: như vậy là phá giá, cái đó phải nhận 45tr/ tháng mới đúng…. Không phải vậy, với bên B họ cần số tiền lớn đó là vì nếu thấp hơn có thể họ lỗ hoặc chỉ số an toàn hoàn thành KPI không cao, ngược lại bên A họ cảm thấy chỉ cần ngân sách đó họ dư sức đáp ứng yêu cầu và hoàn thành KPI dễ dàng (có lãi)

Vậy câu chuyện ở đây khi nói về “tối ưu” TIỀN cũng rất quan trọng, bạn nhận 1 dự án xong hoặc trước khi bắt tay vào SEO dự án cho chính bạn thì cần phải có được bài toán cân đối về ngân sách hợp lý, làm cách nào đó tối ưu nhất có thể mà vẫn mang lại hiệu quả cao, đó mới là điều quan trọng.

Ví dụ: 

  • Mua backlink thì nên mua loại nào? (đi báo PR, mua guest post, đi textlink,…) rồi đi trình tự ra sao, số lượng thế nào để tiết kiệm ngân sách mà vẫn hiệu quả?
  • Thuê CTV biết bài thì nên thuê bên nào viết? Test đầu vào ra sao? Chi phí rẻ liệu chất lượng có ổn? Chi phí cao liệu có lỗ hoặc cao chắc gì hiệu quả như cam kết??
  • Viết bài thì nghiên cứu từ khoá cũng là bước giúp tiết kiệm chi phí lớn, vì nếu bạn lên outline sai (hoặc quá tin tưởng mà giao cho bên CTV họ tự nghiên cứu từ khoá), từ đó dẫn đến việc tốn tiền cho hàng trăm bài viết nhưng có khi hiệu quả không bằng đối thủ đi 10 bài viết

Như vậy phân tích qua để thấy: thực thi một dự án SEO dù là cho khách hàng hay chính mình, ngoài các yếu tố kỹ thuật, chuyên môn mà đã có quá nhiều anh em chia sẻ, thì tối ưu tài chính là hết sức cần thiết.

Hãy làm SEO với ngân sách tiết kiệm nhất, nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao nhất.

Triển khai SEO

Công sức triển khai dự án SEO

Bạn có bao giờ thấy 1 người ngồi cặm cụi cày 8 tiếng/ ngày nhưng hiệu quả công việc lại không bằng một người khác làm việc chỉ với 2 tiếng? Cần cù bù thông minh là xưa rồi, ai cũng có thể trở nên thông minh bằng những ngày cần cù học hỏi trước đó, chứ không phải chấp nhận làm người không thông minh để cần cù cả đời được.

Ngụ ngôn có câu chuyện rùa và thỏ, đoạn đầu ai cũng biết vì thỏ chủ quan nên thua cuộc (và chúng ta thừa biết rùa luyện 100 năm cũng không nhanh bằng thỏ), con người ta không ai ai là thỏ cũng không ai là rùa để mang trên mình cái mai nặng nề ấy. Nên hoàn toàn bình đẳng về khả năng học tập, tư duy phát triển nghề nghiệp và trau dồi chuyên môn của mình.

Cuộc thi thứ 2 giữa rùa và thỏ, thỏ quyết định không chủ quan nữa và chắc ăn mình thắng, nhưng thỏ không ngờ chặng đường đua thứ 2 thì rùa lại chỉ định phải đi qua 1 con sông… kết quả rùa bơi qua và thắng còn thỏ thì ở lại bờ và thua.

Bài học là gì? Ngoài việc bỏ công sức thì cần phải có chuyên môn và nhiều kỹ năng khác. Vậy để tối ưu công sức thì việc bạn chịu khó trau dồi thêm chuyên môn và những kỹ năng khác trong công việc là cần thiết, nó giúp bạn triển khai công việc khoa học hơn, hiệu quả hơn, nhanh hơn và đỡ tốn công sức hơn.

 Có cuốn sách hay với tiêu đề: Đừng làm việc chăm chỉ, hãy làm việc thông minh (các bạn có thể tìm đọc hoặc nghe audio book)

Có người bảo: em cày SEO dự án này quên ăn quên ngủ, có khi ngồi từ 8h sáng tới 12h đêm mà từ khoá vẫn không thăng hạng, mỗi đợt từ khoá rớt là em ngồi em audit lại hết cả tuần mà vẫn rớt…. Thế tự hỏi: nếu bạn cặm cụi suốt cả ngày mà không mang lại hiệu quả, vậy bạn đang cặm cụi vì mục đích gì?

Với những bạn đã và đang như thế, hãy tắt máy tính, pha 1 ly cà phê thơm ngon, mở bản nhạc du dưởng thưởng thức và rồi suy nghĩ lại: cái bạn đang làm đúng hay sai? Sai là sai ở đâu? Và làm cách nào để sửa sai? Liệu cái bạn đang sửa có phải là sửa sai hay đang phá hỏng thêm? 

Trên Facebook mình là người hỗ trợ khá nhiều anh em xử lý các vấn đề về web cũng như SEO,… nhưng chung quy ban đầu khi các bạn ấy tìm đến mình đều có vài lỗi giống nhau, đặc biệt là câu chuyện ném công sức vô bổ vào những tút, trick được ai chia sẻ đâu đó… theo kiểu: anh ơi em coi video của bạn X thấy hướng dẫn vậy đúng không, em đọc bài viết anh Y nói vậy sao em làm lại bị này bị nọ,… thay vì các bạn hỏi mình, các bạn nên hỏi luôn cái chủ bài đăng hay chủ kênh Youtube đó, hoặc nếu không thể hỏi hoặc hỏi nhưng không được trả lời thì chỉ còn cách bạn nên tự học và thực hành, tự trải nghiệm rồi rút ra bài học.

Công sức cũng là tiền, mà tiền đôi khi không phải cứ tạo bằng công sức mà ra. Tối ưu công sức trong SEO là điều quan trọng, đừng chạy theo thủ thuật này, tút trick nọ của ai kia chia sẻ khi chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa hay liệu rằng bỏ công sức ra áp dụng cho dự án của mình có phù hợp hay không? Có mang lại hiệu quả hay không? Đôi dép của người ta đi đẹp, chưa chắc mình mang vào đã vừa… SEO là không có bất kỳ công thức nào áp dụng giống nhau cả, nếu có ai đó có thể tạo ra được một công thức SEO thành công 100% mà ít tốn công sức thì họ đã đi bán nó và trở thành triệu phú rồi.

Hãy làm SEO với công sức và tiền bạc ít nhất, nhưng vẫn mang lại kết quả tốt nhất.

seo tiet kiem

Thời gian triển khai SEO

Thời gian là vàng? Sai, nó còn quý hơn vàng. Khi bạn còn 5 phút để nhắm mắt xuôi tay bạn sẽ quý biết bao những cái nhảy của kim giây còn lại. Thời gian với cuộc sống, cũng là thời gian tương ứng với SEO. 

Tại sao SEO cần tối ưu thời gian? Nếu cùng 1 từ khoá, cùng 1 dự án nhưng thay vì mất 3 tháng để lên TOP, bạn cố gắng làm sao để 1 tháng lên TOP, vậy khách hàng của bạn có thể sẽ đến ngay tháng thứ 2 mà không phải tháng thứ 4.

Tối ưu thời gian tỷ lệ thuận với tối ưu công sức, bạn càng mất nhiều thời gian cho 1 việc thì bạn càng tốn nhiều công sức cho việc đó (cùng là 15cm nhưng cứ hỏi anh 5 phút với anh 30p là biết ai mệt hơn ai)

Với Agency khi tối ưu được thời gian, sẽ tối ưu được ngân sách về nhân sự, và nhiều thứ khác.  Khách hàng thì tâm lý lúc nào cũng muốn lên TOP nhanh nhất.

Với các bạn làm SEO cho chính mình, tiết kiệm và tối ưu thời gian tốt nhất có thể: giúp bạn vừa an nhàn trong công việc, có quỹ thời gian dành cho gia đình và cuộc sống, mà vẫn đạt được hiệu quả cao.

Ví dụ: bạn lên outline cho CTV viết bài, nếu bạn nghiên cứu kỹ từ khoá trước đó thì bạn sẽ gom được nhiều nhóm từ khoá liên quan vào 1 bài viết mà cũng chỉ tốn chi phí cho 1 bài, khi bạn lên outline kỹ từng dàn ý, thậm chí đề ra cả heading sẵn cho CTV thì tới khi bạn duyệt nội dung cũng không phải mất quá nhiều thời gian như việc bản chỉ đưa ra mỗi cái chủ đề hay tiêu đề rồi kêu họ viết.

Hãy tối ưu tiền bạc, công sức và thời gian một cách tốt nhất mà vẫn đạt được hiệu quả cao trong SEO là điều cần thiết

kien thuc seo

Cuối cùng, sau 3 cái “tối ưu” mình chia sẻ với các bạn một cái “sáng ưu” mà hôm qua đang comment dở, đó là: 

Kiến thức xã hội rất cần thiết cho SEO

Tại sao ư? Một người làm SEO dù thực thi ở công việc thiên về content, technical,… hay bất kỳ công việc nào khác ngoài SEO thì kiến thức xã hội là cuốn cẩm nang cần thiết để bạn hành trang trên hành trình thăng tiến cả về công việc lẫn tiền bạc.

Mỗi ngày học hỏi những điều hay, những thứ chả liên quan công việc đang làm nhưng bổ ích cho bản thân và cuộc sống, đó là: lịch sử, văn hoá xã hội, âm nhạc, hội hoạ, thơ ca, nghệ thuật,… trà, cà phê, có cả giao lưu bia rượu,… chơi với đủ tầng lớp: công nhân, nông dân, doanh nhân, tri thức… và cả dân anh chị xã hội xám.

Mọi thứ đi vào đầu bạn miễn nó được chắt lọc lấy điều tốt, đều có thể bổ trợ cho SEO nói riêng và mọi ngành nghề nói chung. Kỹ năng giao tiếp xã hội cũng hết sức cần thiết, phải giao lưu nhiều, gặp gỡ trò chuyện nhiều,… sẽ học hỏi được nhiều. 

Mình thấy nhiều bạn, nhất là các bạn trẻ hiện nay thiếu cả kiến thức xã hội, thiếu khả năng giao tiếp, chỉ lầm lầm lì lì vào mỗi việc mình làm, mà rồi có khi chính cái mình làm chuyên môn cũng thiếu và yếu… vậy làm sao thăng tiến? Làm sao xây dựng sự nghiệp?

Khi bạn trang bị cho mình kiến thức xã hội nhiều, am hiểu nhiều thì bạn tự tin giao tiếp và tự tin với phát ngôn của mình mà không sợ bị cho là chém gió hay khoác lác, từ đó những người bạn gặp sẽ nể bạn, quý bạn, ai mà chẳng muốn kết giao với người hiểu biết và cởi mở… đó cũng là cơ hội để học hỏi lẫn nhau, và đôi khi là cơ hội nghề nghiệp, thăng tiến sự nghiệp… trong đó có cả SEO.

Lưu ý nhỏ: Nội dung trên website được biên tập và tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau. Nếu có bất kỳ tranh chấp nội dung nào liên quan tới bản quyền tác giả, vui lòng gửi E-mail tới: balicodn@gmail.com hoặc gọi: 0949.339.222. Chân thành cảm ơn!